VIÊN CHỨC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý TRONG XÂY DỰNG LUẬT VIÊN CHỨC

▀ TS. VĂN TẤT THU
Thứ trưởng Bộ Nội vụ

1. Khái niệm và phân loại viên chức
Viên chức là thuật ngữ chỉ những người làm việc công hoặc tư bao gồm nhiều ngành nghề và công việc khác nhau trong xã hội. Có thể chia đội ngũ viên chức thành viên chức công - viên chức nhà nước và viên chức ngoài khu vực nhà nước - viên chức tư. Sự khác nhau căn bản giữa viên chức công (viên chức nhà nước) và viên chức tư là viên chức công được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Không có sự khác nhau về mặt chuyên môn, nghiệp vụ theo từng ngành, nghề giữa viên chức công và viên chức tư. Đồng thời, theo ngành nghề, đối tượng lao động có thể chia thành viên chức sự nghiệp, viên chức kinh doanh, viên chức làm dịch vụ.

Viên chức nhà nước, hiểu một cách đơn giản, là người lao động có nghề nghiệp được Nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm vào một chức nghiệp nhất định trong đơn vị sự nghiệp nhà nước (sự nghiệp công) và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nghề nghiệp là chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo để người viên chức kiếm sống và sinh nhai. Chức nghiệp hay chức vụ nghề nghiệp được hiểu là ngạch, bậc chuyên môn nghiệp vụ được phân loại, xếp hạng trên cơ sở trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn của viên chức.
Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với cải cách hành chính, Nhà nước tiến hành cải cách lĩnh vực sự nghiệp công. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sự nghiệp công, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sự nghiệp công, cần phải thay đổi cách tuyển dụng, cơ chế, chế độ, chính sách đối với viên chức nhà nước; không áp dụng cách thức tuyển dụng vào làm việc suốt đời mà theo chế độ hợp đồng; tạo quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công và qua đó đòi hỏi viên chức nhà nước phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện và học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Nếu người viên chức không đáp ứng được yêu cầu thì hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc của họ có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào. Từ những thay đổi căn bản trong quan niệm về viên chức nhà nước, về hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công và cách thức tuyển dụng viên chức, cần phải có quan niệm chính xác và đầy đủ hơn về viên chức nhà nước. Theo chúng tôi, có thể quan niệm viên chức nhà nước như sau: viên chức nhà nước là công dân Việt Nam, có nghề nghiệp, được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc và được bổ nhiệm vào một chức vụ (ngạch, bậc chuyên môn) nghề nghiệp tại một đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ lương của các đơn vị sự nghiệp công theo quy định của pháp luật. Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công được phân loại:
- Viên chức lãnh đạo: là người thực hiện chức năng quản lý công việc và lãnh đạo những viên chức dưới quyền của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công.
- Viên chức chuyên môn là những người thực hiện nhiệm vụ có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ thuần túy theo chức vụ nghề nghiệp hay ngạch bậc chuyên môn được bổ nhiệm.
- Viên chức hành chính, nghiệp vụ và kỹ thuật là người làm công tác có tính chất hành chính, kỹ thuật, nghiệp vụ như công tác văn thư, lưu trữ, quản trị, thông tin tư liệu phục vụ cho viên chức lãnh đạo và viên chức chuyên môn (thư ký, đánh máy, văn thư, kế toán, tài vụ, lễ tân, quản trị văn phòng.v.v...).
2. Sự khác nhau giữa công chức hành chính và viên chức sự nghiệp
Đặc điểm, đặc thù, tính chất, đối tượng, thời gian lao động và kỹ năng tác nghiệp của công chức hành chính hoàn toàn khác với viên chức sự nghiệp. Cụ thể, lao động của công chức trong các cơ quan hành chính công quyền là lao động thực thi pháp luật, là lao động quyền lực. Công chức là những người thực thi công vụ. Công vụ và công chức luôn gắn liền với nhau: chủ thể của công vụ là công chức; công vụ là một dạng lao động quyền lực, khác với lao động sản xuất trực tiếp, lao động mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật; công vụ mang tính quyền lực nhà nước, công chức nhân danh Nhà nước thực thi quyền lực nhà nước.
Viên chức là những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công khác nhau, lao động của họ không mang tính chất quyền lực nhà nước, mà thuần tuý mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên sâu. Đặc điểm, đặc thù, tính chất, đối tượng và kỹ năng tác nghiệp của họ khác với của công chức nhà nước. Việc sử dụng thời giờ làm việc, đạo đức nghề nghiệp của họ cũng khác với việc sử dụng thời giờ làm việc và đạo đức nghề nghiệp của công chức nhà nước. Do đó, các quan điểm, nguyên tắc, các chế định và quy định cụ thể trong Luật viên chức phải khác với các quan điểm, nguyên tắc, các chế định và quy định cụ thể trong Luật cán bộ, công chức. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng hành chính hóa các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ viên chức nhà nước có đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
3. Tính nghề nghiệp của viên chức
Viên chức là người lao động, kể cả lao động trí óc và lao động giản đơn, có nghề nghiệp và chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Tính chuyên môn nghề nghiệp là đặc điểm chung của lao động và hoạt động của viên chức. Nghề nghiệp là công việc chuyên môn, nghiệp vụ để người viên chức kiếm sống và sinh nhai “sinh nghề tử nghiệp, sống vì nghề, chết vì nghề”; đó là yêu cầu, là nguyên tắc để theo đuổi trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức. Chỉ có những người đề cao, tôn trọng nguyên tắc này mới có thể trở thành người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, mới trở thành các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, ngành nghề của mình “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.  
Chuyên môn nghiệp vụ của các ngành, các lĩnh vực là tri thức và kỹ năng lao động, kỹ năng tác nghiệp mà người lao động có được trong quá trình đào tạo, huấn luyện bài bản qua các trường lớp hoặc tự đào tạo học tập qua thực tiễn, cho phép người đó có thể thực hiện được một loại hoạt động nhất định trong hệ thống phân công lao động xã hội. Do đó, viên chức phải là người lao động được đào tạo nghề nghiệp một cách chuyên sâu. Tuy nhiên, không thể coi nhẹ việc nâng cao kỹ năng lao động, kỹ năng tác nghiệp, kinh nghiệm nghề nghiệp thông qua môi trường thực tiễn trong giảng dạy, nghiên cứu, hoạt động văn hoá xã hội, thông tin truyền thông, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhất là trong một số nghành nghề (nghề nghiệp) thủ công mỹ nghệ, y học cổ truyền, biểu diễn nghệ thuật, hay dựa vào kinh nghiệm cổ truyền, kinh nghiệm nghề nghiệp được đúc kết và tích lũy thực tiễn (thày già, con hát trẻ).v.v... Như vậy, có hai yếu tố cơ bản cấu thành năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức, đó là trình độ đào tạo chính quy, bài bản qua các trường lớp và kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp. Trình độ đào tạo qua trường lớp biểu hiện cụ thể là các văn bằng, chứng chỉ theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế được cấp; kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp là kết quả đúc kết được qua thâm niên công tác và hoạt động thực tiễn.
Viên chức làm việc trong các ngành, nghề lĩnh vực sự nghiệp công khác nhau đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp tương ứng. Không có chuyên môn nghiệp vụ chung cho tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực sự nghiệp công. Tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao là đặc điểm, là yêu cầu trong hoạt động của viên chức sự nghiệp. Đây là đặc điểm cần phải tính đến khi xây dựng Luật viên chức.
4. Đạo đức nghề nghiệp của viên chức
Viên chức các ngành nghề khác nhau đòi hỏi có ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khác nhau.
Chẳng hạn, đối với viên chức làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phải biết kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại, đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa, khoa học của nhân loại và thế giới. Làm khoa học là để cải tạo tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ những sáng kiến, những tư tưởng tiến bộ, đấu tranh với những cái bảo thủ, lạc hậu, bảo vệ hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc của đất nước. Do đó, viên chức làm việc trong lĩnh vực khoa học phải tuân thủ nguyên tắc “trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự do sáng tạo, dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm” (1) về kết quả nghiên cứu của mình. Mọi viên chức có trách nhiệm tham gia phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ của đất nước; phổ biến kiến thức nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất; ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước. Đạo đức nghề nghiệp của viên chức làm khoa học công nghệ thể hiện cụ thể ở chỗ không được lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ chống lại đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; không được “lợi dụng khoa học để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên môi trường, sức khỏe con người trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc”; không được “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ, tiết lộ tư liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước, lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ”(2).
Đạo đức nghề nghiệp của viên chức làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là phải tôn trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Trò phải biết tôn sư “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); thầy phải biết trọng đạo, phải biết quý học trò của mình. Mục tiêu của giáo dục là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức, tri thức, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của người công dân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp trồng người đòi hỏi những viên chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phải đề cao đạo đức nghề nghiệp. Ngoài truyền thống tôn sư trọng đạo, đòi hỏi các giáo chức, các viên chức làm nghề nhà giáo phải ý thức được đầy đủ vai trò quyết định của mình trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo “phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học” (3). Thầy giáo phải thực sự là “khuôn vàng, thước ngọc”, là chuẩn mực về đức độ và tài năng cho học sinh noi theo. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học. Muốn Nhà nước, xã hội và người dân tôn vinh mình thì các giáo chức, các viên chức làm nghề nhà giáo phải biết tự đề cao đạo đức nghề nghiệp của mình, tự tôn vinh mình bằng chính tài năng đức độ của mình. Không được lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, dị đoan, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội; “không được lợi dụng các hoạt động giáo dục vào các mục đích vụ lợi”.
Viên chức làm việc trong lĩnh vực sự nghiệp y tế, hành nghề y dược có đạo đức nghề nghiệp riêng của mình. Họ luôn được xã hội và người dân trọng vọng, coi bác sĩ, người thầy thuốc như mẹ hiền “lương y như từ mẫu”. Việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc điều trị liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mệnh của con người, đòi hỏi phải cẩn trọng, chính xác, không được sai sót. Do đó, viên chức làm việc trong lĩnh vực y tế, làm nhiệm vụ khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề “khám bệnh, chữa bệnh” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đồng thời, phải đề cao đạo đức nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh và cấp thuốc điều trị, phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong hành nghề khám, chữa bệnh “bình đẳng, công bằng, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ, bệnh án; kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người già từ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai; bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề”. Thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp chính là nghiêm túc không thực hiện các hành vi bị cấm trong khám, chữa bệnh, cụ thể như không được “từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề”, “hành nghề khám, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động”; “sử dụng các hình thức mê tín trong khám, chữa bệnh”; “vi phạm quyền của người bệnh, không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; đưa, nhận, môi giới, hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh” (4).
Qua những ví dụ trên cho thấy, mỗi một ngành nghề, mỗi một lĩnh vực sự nghiệp công có đạo đức nghề nghiệp riêng. Không có đạo đức nghề nghiệp chung cho tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực sự nghiệp công. Viên chức làm việc trong các ngành, nghề, lĩnh vực sự nghiệp công phải tuân thủ theo các chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp của ngành, lĩnh vực sự nghiệp công ấy. Đây là đặc điểm cũng cần phải chú ý khi xây dựng Luật viên chức.
5. Về thời giờ làm việc, tuổi tuyển dụng và tuổi nghỉ hưu của viên chức nhà nước
Do đặc điểm, đặc thù, tính chất công việc, tính chất nghề nghiệp của viên chức khác với công chức như đã phân tích ở trên nên thời gian làm việc của viên chức cũng phải khác với thời gian làm việc của công chức. Công chức là người thực thi công quyền, thực thi pháp luật, nên họ phải làm việc theo giờ hành chính, ngày làm việc 8 tiếng, từ 7 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ 30 phút chiều (đối với các cơ quan Trung ương đóng tại Hà Nội), tuần làm việc 40 tiếng (5 ngày trong tuần) theo quy định tại Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Công chức phải làm việc theo giờ hành chính để đảm bảo cho công vụ được hoạt động liên tục, thường xuyên và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Còn đối với viên chức, về nguyên tắc, cũng phải làm việc đủ số giờ, số ngày làm việc trong tuần theo quy định chung của Nhà nước. Song, việc sử dụng thời giờ làm việc theo quy định chung của viên chức không bị gò bó theo giờ hành chính. Ở một số ngành nghề, viên chức không nhất thiết phải đến cơ quan, đến công sở theo giờ hành chính mà có thể chủ động sắp xếp công việc để làm việc ở nhà, ở ngoài cơ quan, công sở (như đối với cán bộ, viên chức làm việc ở các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học...). Viên chức có thể làm việc theo ca, kíp (ca đêm, ca ngày đối với các bác sĩ, y tá ở bệnh viện...), làm bán thời gian, làm việc theo giờ (như cán bộ, viên chức làm việc trong ngành giáo dục...), làm việc theo chương trình biểu diễn, chương trình phát sóng (như cán bộ, viên chức làm việc trong các lĩnh vực biễu diễn văn hóa nghệ thuật, thông tin tuyên truyền ở đài truyền hình, đài phát thanh...); viên chức là phóng viên, biên tập viên của các báo, đài, tạp chí có thể sử dụng thời giờ làm việc theo đặc điểm, đặc thù ngành nghề của mình. Không nên hành chính hóa hoạt động và thời giờ làm việc của viên chức. Điều cốt yếu phải tạo điều kiện thuận lợi để họ sử dụng thời giờ làm việc của mình có hiệu quả, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Về tuổi tuyển dụng, thời gian nâng ngạch, bậc, tuổi nghỉ hưu của viên chức. Một số ngành, lĩnh vực đặc biệt như sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, xiếc, thể dục dụng cụ, thể thao.v.v... tuổi tuyển dụng của viên chức rất trẻ, từ lúc còn đang học tiểu học hoặc trung học cơ sở; không nhất thiết là nữ phải đến 55 tuổi, nam 60 tuổi mới được nghỉ hưu, vì một số ngành nghề, lĩnh vực viên chức từ 30 tuổi thì không hoạt động nghề nghiệp được nữa. Còn đối với các thầy giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, xã hội học, nhà nghiên cứu.v.v... tuổi càng cao kinh nghiệm càng tích lũy được nhiều “Thày già, con hát trẻ”, không nhất thiết phải quy định cứng nhắc theo tuổi nghỉ hưu chung mà có thể kéo dài tuổi làm việc trên 60 tuổi.
Các quy định về tiêu chuẩn nâng ngạch, bậc cho viên chức các ngành, lĩnh vực nói trên phải phù hợp với đặc điểm, đặc thù ngành nghề của họ để tránh bị thiệt thòi.
Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập đặc biệt như các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học, các trường, viện đào tạo biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ngành y, dược, kể cả đông y và tây y.v.v... thường là những “cây đa cây đề”, các chuyên gia hàng đầu về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, có uy tín, được tôn vinh trong ngành, trong giới, được xã hội trọng vọng; lãnh đạo, quản lý các đơn vị nhiều khi không phải bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng uy tín ở đạo đức nghề nghiệp, trình độ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ.v.v... Nếu chỉ điều hành, quản lý đơn vị bằng quyền lực hành chính, bằng mệnh lệnh và các quy định hành chính cứng nhắc thì các đơn vị sự nghiệp đó khó có thể phát triển và hoàn thành được nhiệm vụ. Xuất phát từ đặc điểm, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công lập, tiêu chuẩn, chức nghiệp và các chế độ chính sách, trong đó có tuổi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, tuổi nghỉ hưu của thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp cần có quy định khác với thủ trưởng các cơ quan hành chính.
Như vậy, do đặc điểm nghề nghiệp nên cần phải có các quy định đặc thù về chế độ tuyển dụng, nâng ngạch bậc, khen thưởng, nghỉ hưu và các chế độ chính sách khác đối với viên chức một số ngành, nghề, lĩnh vực đặc biệt để tạo điều kiện cho các ngành nghề, lĩnh vực sự nghiệp đó phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, giá trị sức lao động, nhất là trong các lĩnh vực sự nghiệp công có tính chất đặc thù, phải được xác định và đánh giá chính xác để có chế độ, chính sách đối xử thích hợp. Nếu không làm được như vậy sẽ khó thu hút người vào làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù, trong khi nhà nước và xã hội lúc nào cũng cần các ngành, nghề, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù đó.
Tuy nhiên, trong các văn bản có giá trị pháp lý cao như luật không nên chứa đựng các quy định đặc thù riêng cho từng đối tượng. Các quy định đặc thù cho từng đối tượng nên giao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; không nên và không thể quy định riêng cho từng lĩnh vực sự nghiệp trong Luật viên chức.
Tóm lại, đối với viên chức nhà nước, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công, ngoài các yêu cầu về kiến thức, hiểu biết chuyên sâu, về chuyên môn nghiệp vụ còn phải đòi hỏi rất cao về đạo đức nghề nghiệp. Đây là đặc điểm cần phải tính đến khi xây dựng dự án Luật viên chức. Đồng thời, do đặc điểm đội ngũ viên chức có ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và tính chất hoạt động rất đa dạng và khác nhau, Luật viên chức chỉ nên tập trung quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất liên quan đến viên chức, còn những vấn đề cụ thể nên để pháp luật chuyên ngành điều chỉnh 


Ghi chú:

(1) Khoản 5 Điều 5 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2005
(2) Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000
(3) Điều 5 Luật Giáo dục năm 2005

(4) Các Điều 3, 6 Luật Khám chữa bệnh năm 2009.


Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn

Nhận xét