VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG SỞ

▀ TS. ĐÀO THỊ ÁI THI
Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Học viện Hành chính

1. Bản chất của văn hóa trong hoạt động công sở
Văn hoá là một hoạt động nhằm phát huy những nhu cầu và năng lực bản chất của con người, vươn tới cái chân, thiện, mỹ; là hoạt động nhằm tạo ra những giá trị, chuẩn mực xã hội; là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách của con người. Với ý nghĩa đó, văn hoá có mặt ở mọi hoạt động sản xuất vật chất cũng như sản xuất tinh thần của con người, trong mọi quan hệ ứng xử xã hội hay thái độ đối với thiên nhiên.

Công sở là một tổ chức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước, có tư cách pháp nhân, được pháp luật điều chỉnh để quản lý các công việc có tính chuyên ngành và phục vụ lợi ích công. Công sở là một thiết chế xã hội - văn hoá chỉ có ở xã hội loài người. Công sở tồn tại như một hiện tượng văn hoá đồng thời là một chủ thể văn hoá gắn liền với các yếu tố tổ chức quyền lực và tâm lý, tình cảm của con người. Quan niệm về văn hoá công sở ở mỗi thời đại lịch sử, mỗi chế độ chính trị, mỗi quốc gia khác nhau thì đều khác nhau.
Văn hoá công sở là sự pha trộn của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Xuất phát từ đặc điểm của công sở là trụ sở công mà ở đó có tổ chức (cơ cấu, đội ngũ cán bộ, công chức); có cơ sở vật chất (nhà cửa, phòng làm việc v.v..) cho thấy văn hoá công sở rộng hơn, bao trùm lên cả văn hoá tổ chức.
Xét trên ý nghĩa công sở là một tập hợp có tổ chức, có thể hiểu văn hoá công sở xuất phát từ chính vai trò của công sở trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bản thân bộ máy hành chính. Như vậy, văn hoá công sở là một dạng đặc thù của văn hoá xã hội bao gồm tổng thể các giá trị, chuẩn mực, vẻ đẹp và cách hành xử trong hoạt động công sở, mà các thành viên trong công sở cùng tiếp nhận để ứng xử với nhau trong nội bộ công sở và phục vụ cộng đồng với sự tác động của hệ thống quan hệ thứ bậc mang tính quyền lực và tính xã hội.
Quan niệm văn hoá công sở như trên là dựa vào tính đặc thù của công sở: công sở là một tập hợp có tổ chức dựa trên quan hệ thứ bậc: cấp trên - cấp dưới; thành viên - thành viên; thành viên - nhân dân. Đây chính là mối quan hệ ràng buộc của ba nhóm yếu tố: quyền lực - phục tùng; nhu cầu - phục vụ và hiệu lực - hiệu quả. Các thành viên trong công sở gắn bó với nhau bằng sự chi phối của cơ cấu tổ chức, công việc, lợi ích, tình cảm mang tính nhân văn, nhân ái, nhân bản sâu xa (phục tùng, tôn trọng, tự nguyện làm việc, trách nhiệm, vô tư không vụ lợi, phục vụ cộng đồng v.v..).
Tính đặc thù của công sở quy định tính đặc thù của văn hoá công sở - một thực thể của văn hoá xã hội. Công sở muốn tồn tại bền vững, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và phát triển ngày càng tốt đẹp thì phải dựa vào trình độ văn hoá, trình độ ứng xử giữa nguời với người của các quan hệ trong công sở. Văn hoá công sở như một môi trường văn hoá đặc thù với những giá trị chuẩn mực văn hoá chi phối mọi hoạt động, các quan hệ trong nội bộ công sở cũng như đối với công dân với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước hay một cơ quan sự nghiệp, dịch vụ công.
Xét trên ý nghĩa công sở là một trụ sở công, nơi có đầy đủ mọi điều kiện, phương tiện để thực thi công vụ thì các sản phẩm vật chất như công trình kiến trúc, thiết kế nhà cửa, phòng làm việc, trang trí nội thất, ánh sáng, màu sắc phù hợp, từ cách thức lễ tân, giao tiếp, tiếp khách, đến cách trang phục, ăn mặc của cán bộ công chức, tất cả đều thể hiện màu sắc văn hoá đặc thù của mỗi quốc gia, địa phương và cơ quan, công sở.
Nói tới văn hoá công sở là nói tới việc phát huy những năng lực, bản chất của cán bộ, nhân viên trong công sở nhằm hoàn thiện chế độ công vụ, công chức. Hình ảnh tốt hay xấu của công sở đều có thể nhận thấy qua con người, nhất là những cán bộ, công chức đang giữ những vị trí then chốt trong công sở, những người phản ánh chất lượng, hiệu quả hoạt động của công sở.
Việc sáp nhập các công sở với nhau thường đem lại những phản ứng và tâm lý bất ổn định: nỗi lo sợ không còn việc làm hay thu nhập thấp đi (giá trị vật chất); sợ môi trường mới không thuận lợi để thể hiện, cống hiến hay không còn tự do, thoải mái và thậm chí sợ mất vị trí, chỗ đứng của mình; hơn nữa lo sợ đánh mất bản sắc tâm hồn mình (giá trị tinh thần).
Những phân tích trên đây cho thấy bản chất của văn hoá công sở chứa đựng những giá trị, niềm tin, truyền thống và những thói quen, khả năng (bản sắc riêng). Những vấn đề này quy định hành vi của mỗi thành viên trong công sở, ngày càng phong phú, thay đổi theo từng bối cảnh cụ thể và mang lại cho mỗi công sở một bản sắc riêng.
2.         Vai trò của văn hoá đối với hoạt động công sở
 Văn hóa là hệ thống giá trị toàn diện, ở đó nó được cấu thành và hòa đồng bởi những giá trị của truyền thống và giá trị hiện đại; trình độ học vấn và trình độ văn minh; giá trị của cái chân, cái thiện, cái mỹ, có thể mô tả bằng sơ đồ dưới đây:


Văn hóa nói chung, văn hóa công sở nói riêng là sự kết nối của hệ thống giá trị từ truyền thống đến hiện đại, vừa mang đậm bản sắc của cái riêng, cái "dân tộc" vừa tuân thủ chuẩn mực chung, chuẩn mực của "thời đại". Trình độ học vấn là điều kiện để mở cửa sổ trí tuệ và tâm hồn con người bước vào nền văn hóa tiên tiến hơn. Trình độ văn minh là đánh dấu những giai đoạn phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định với những nấc thang giá trị ngày càng cao hơn. Suy cho cùng dù là yếu tố truyền thống hay hiện đại, trình độ học vấn hay trình độ văn minh, thì đều phải hướng tới ba đỉnh của tam giác, đó là giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Từ các phân tích trên, có thể nói văn hoá là nền tảng tinh thần của hoạt động công sở. Nó biểu hiện sức mạnh tiềm tàng và bản lĩnh của các thành viên trong hoạt động công sở dưới các khía cạnh sau:
Một là, văn hóa thể hiện giá trị truyền thống kết nối với giá trị hiện đại và hệ giá trị đặc trưng riêng của hoạt động công sở
Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, các thành viên công sở đều ý thức rất rõ: họ đang làm việc vì ai, vì cái gì và tại sao họ lại đạt hiệu quả làm việc  cao như vậy. Phần lớn họ có ý thức văn hoá dân tộc rất cao, có nhận thức cao trong sự phát triển đất nước, ý thức về danh dự của nhà nước, về truyền thống của cơ quan công sở, nơi đang làm việc và cống hiến; hơn nữa lương tâm và danh dự, ý thức về sự tồn tại khiến họ ý thức được văn hoá là động lực phát triển của mọi hoạt động trong các công sở hiện nay.
Yếu tố dân tộc, hiện đại và hệ giá trị này thấm nhuần trong mỗi thành viên công sở, được chắt lọc, kế thừa và phát triển, phát huy theo quá trình đi lên của công sở, được vật chất hoá trong các cấu trúc thiết chế hành chính và công nghệ hành chính. Đổi mới hoạt động công sở là một thành tựu văn hoá. Thành tựu này giúp cho việc hiện đại hoá nền hành chính nhà nước Việt Nam, giúp cho các cơ quan, công sở nhà nước Việt Nam vươn tới tầm cao mới của sự phát triển hiện đại. Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của công nghệ hành chính trong hoạt động công sở. Công nghệ hành chính là sự kết tinh cao độ của trí tuệ, kinh nghiệm và sức sáng tạo của con người. Đó cũng là sản phẩm văn hoá, sự phát triển của trí tuệ và nghiệp vụ trong hoạt động công sở đi đôi với sự hoàn thiện lương tâm, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ cộng đồng của cán bộ, công chức.
Hai là, vai trò của văn hoá càng được phát huy nếu gắn với trình độ học vấn và trình độ văn minh trong hoạt động của các công sở
Một nền văn minh mới xuất hiện đã thể hiện ở sự hình thành các tiêu chí, chuẩn mực trong hoạt động công sở, quan hệ ứng xử và môi trường chính trị mang đậm màu sắc văn hoá nhân văn, nhân ái và nhân bản, với các giá trị chân, thiện, mỹ. Việc các công sở khuyến khích, thậm chí bao cấp việc học tập cho các thành viên là nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công sở hiện nay. Một số các quốc gia trên thế giới qui định cán bộ, công chức khi đến công sở phải, mặc đồng phục được coi là trách nhiệm cao, dù không cần một lời tuyên thệ nào. Điều này làm cho mỗi cán bộ, công chức tự khép mình vào kỷ luật và khuôn phép, coi kỷ luật công sở là hòn đá tảng của tinh thần văn hoá dân tộc.
Tài sản vô hình ở các công sở hiện nay bao gồm các yếu tố như: thông tin khoa học - công nghệ, tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, sự tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước. Những điều này có thể coi là sự chuyển hoá các năng lượng tinh thần của con người vào hoạt động công sở, đó chính là văn hoá công sở. 
Ba là, vai trò của văn hóa thể hiện là nền tảng mang tính nhân bản (giá trị cái chân) của công sở
"Cái chân" là biểu hiện giá trị của "cái thật" trong hoạt động công sở, đó là: giá trị của cái đúng, của chân lý; giá trị của tri thức khoa học, sự hiểu biết, trí tuệ; giá trị của qui phạm pháp lý, qui phạm đạo đức, hướng về cội nguồn của mỗi cán bộ, công chức.
Để phát huy giá trị "cái chân" trong hoạt động công sở, cần tạo ra một môi trường thuận lợi, mà trong đó mọi thành viên đều có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình để gánh vác nhiệm vụ do nhà nước và nhân dân giao phó, đồng thời phục vụ xã hội, công dân tốt hơn, trong đó có các nhân tố: quan hệ con người; sử dụng nguồn tài nguyên (vật chất, con người); vận dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Xác định đúng vị trí, vai trò của từng nhân tố có tác động tốt tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các công sở trong tiến trình phát triển chung của đất nước.
Thực tế phát triển của các cơ quan, công sở ở nước ta vừa qua chứng minh rằng không thể coi nhẹ nhân tố con người. Nói đến con người chính là nói đến văn hoá, vì toàn bộ những giá trị văn hoá làm nên những phẩm chất, năng lực tinh thần của con người. Những phẩm chất và năng lực thật đó của cán bộ, công chức được vật chất hóa tạo thành nguồn lực nuôi dưỡng sự tồn tại và phát triển của công sở. Mỗi công chức cần phát huy hết sở trường, sở đoản của mình trong công việc. Do vậy, việc bố trí mỗi vị trí công việc cần đúng chuyên môn, năng lực, ngang tầm, tâm thì mới tạo ra giá trị "cái  chân" trong hoạt động công sở.
Một công sở chỉ làm tròn nhiệm vụ và chức năng khi: tạo ra mối quan hệ tốt giữa cán bộ, công chức trong công việc; các chuẩn mực xử sự; các nghi thức tiếp xúc hành chính; các phương pháp giải quyết các bất đồng trong cơ quan; cách lãnh đạo, quản lý và ý thức chấp hành kỷ luật trong và ngoài công sở của cán bộ, công chức.
Văn hoá còn có vai trò to lớn trong việc xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, kỷ cương và dân chủ. Nó đòi hỏi các thành viên trong công sở phải quan tâm đến hiệu quả công việc chung của công sở, giúp cho mỗi cán bộ, công chức tự nhìn lại, đánh giá mình, chống lại những biểu hiện thiếu văn hoá như: tham ô, móc ngoặc, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, cơ hội... Bên cạnh đó, yếu tố văn hoá còn giúp cho mỗi thành viên trong công sở phải tôn trọng kỷ luật, danh dự của công sở, quan hệ thân ái, đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp chung của công sở.
Bốn là, vai trò của văn hóa thể hiện là nền tảng mang tính nhân ái (giá trị cái thiện) của công sở
 Văn hóa là chiếc nôi nuôi dưỡng giá trị "cái thiện" trong hoạt động công sở với hệ thống giá trị của cái tốt, của lương tâm, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ, lành mạnh thì không có sự phát triển công sở bền vững. Vận dụng các yếu tố văn hoá trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của công sở như có hệ thống khuyến khích thi đua khen thưởng, tạo ra bầu không khí làm việc thoải mái, sẽ kích thích mọi người hăng say làm việc.
Khả năng phát triển của trí tuệ, của khoa học - công nghệ là điều kiện giải phóng và phát triển con người. Tuy nhiên đôi khi sự phát triển này cũng tạo ra khả năng ngược lại, do sự thiếu lương tâm nghề nghiệp, vi phạm đạo đức làm người, sự độc đoán, chuyên  quyền, áp đặt. Thủ đoạn cao của người có trí tuệ đôi lúc làm bại hoại tâm hồn con người. Federico Mayor (UNESCO) nhận xét: "Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm đã trở thành mối đe doạ toàn thế giới". Ở đây có thể thấy văn hoá không đồng nhất với trình độ học vấn, càng không đồng nhất với chức quyền, địa vị cao.
Sự vô cảm trong hoạt động công vụ đã đánh mất đi giá trị "cái thiện" trong mỗi con người. Sự vô cảm giữa con người với con người là thiếu đi lòng trắc ẩn, ít chịu lắng nghe, ít chịu thấu hiểu và thiếu sự chia sẻ trong công việc. Các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, đố kỵ, hẹp hòi, vị kỷ, níu chân, kéo áo nhau ngày càng trở nên trầm trọng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Đặc biệt là các loại "võ" xuất hiện trong công sở như "ném đá giấu tay", "chọc gậy bánh xe"... đều là biểu hiện của phi văn hóa, phản giá trị.
Vai trò của văn hoá còn thể hiện sự định hướng giải quyết đúng đắn trong từng thời kỳ mối quan hệ giữa hiện đại hoá công sở với việc thực hiện sự công bằng cho các thành viên trong công sở. Khi văn hoá phát huy tác dụng trong việc phát triển nguồn nhân lực công sở, tức là văn hoá đã tham gia vào quá trình hình thành quan hệ đồng thuận giữa hiện đại hoá công sở với đảm bảo sự công bằng cho các thành viên. Chỉ có như vậy mới phát huy được các biện pháp hành chính trong chống tham nhũng, hối lộ, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi trong công sở.
Xét vấn đề công bằng theo ý nghĩa văn hoá, thì không giống chủ nghĩa bình quân, bao cấp trong cơ chế xin - cho. Muốn có công bằng trong phân phối lợi ích cho các thành viên phải đi đôi với công bằng về đánh giá nhân sự; đòi hỏi việc đánh giá cán bộ, công chức phải dựa vào hiệu quả công việc, chứ không thiên lệch về chức vụ, bằng cấp, thiên vị, tình cảm riêng. Vai trò của yếu tố văn hoá ở đây là việc sử dụng đúng tài năng, sở trường, đúng thời điểm vì lợi ích chung của tổ chức và lợi ích của bản thân cán bộ, công chức.
Vai trò của văn hoá trong hoạt động công sở còn thể hiện trong quan niệm về sự bình đẳng và thực hiện bình đẳng. Theo ý nghĩa văn hoá, bình đẳng là mọi thành viên trong công sở đều có cơ hội như nhau (trong học tập, đào tạo, việc làm...) để phát triển. Phát triển công sở không có nghĩa là đào thêm hố sâu sự bất bình đẳng và thiếu công bằng trong việc thực hiện các lợi ích giữa các thành viên trong công sở, càng không thể làm giàu bằng mọi giá, nhất là trong cơ quan y tế và trường học.
Năm là, vai trò của văn hóa là nền tảng mang tính nhân văn (cái mỹ) của công sở
Văn hóa đem lại sức sống mãnh liệt cho công sở, nhu cầu hướng tới "cái đẹp", sự cảm nhận và thưởng thức cái đẹp giúp cho việc giải phóng con người, giải phóng sức lao động, thủ tiêu mọi sự kìm hãm. M.Gorki gọi mỹ học là đạo đức học của tương lai. Bielinxki (Nga, thế kỷ XIX) nói: "Cảm xúc về cái đẹp là một điều kiện làm nên phẩm giá con người. Phải có nó con người mới có được trí tuệ, phải có nó con người mới cất mình lên tới những tư tưởng tầm cỡ thế giới, mới hiểu được bản chất các hiện tượng trong tính thống nhất của chúng..., phải có nó người ta mới có thể không quỵ ngã dưới sức đè nặng trĩu của cuộc đời và làm nên những chiến công..., thiếu nó, thiếu đi cái cảm xúc ấy thì không có thiên tài, không có tài năng, không có trí thông minh mà chỉ còn lại cái thứ đầu óc tỉnh táo một cách ti tiện cần thiết cho sinh hoạt thường ngày trong nhà, cho những tính toán nhỏ nhen ích kỷ".
Như vậy có thể khẳng định rằng "cái mỹ" là kết quả cuối cùng của "cái chân" và "cái thiện". Không thể có "cái mỹ" nếu như thiếu "cái chân", "cái thiện". Cái đẹp biểu hiện trong văn hóa công sở là vẻ đẹp hành vi, ngôn ngữ ứng xử, diện mạo, trang phục... của công chức trong thi hành công vụ. Đồng thời cũng thể hiện ở việc bố trí trụ sở làm việc khoa học, văn minh, khang trang, sạch đẹp, thuận tiện, đủ ánh sáng, trang trí, cây cảnh v.v.. bố trí phòng làm việc minh bạch, lịch sự, trang trọng của nơi công quyền.

Tóm lại, văn hóa công sở với vai trò cơ bản vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của công sở, vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá trong công sở không những là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức trong công việc của mình, ở các vị trí, cương vị khác nhau trong thực thi công vụ 

Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn

Nhận xét