▀ ThS.
NGUYỄN TIẾN TRUNG
Vụ
trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ
1. Một số quy định pháp luật liên quan đến
đạo đức công vụ của cán bộ, công chức
Cùng với sự ra
đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, là sự ra đời của hệ thống pháp luật mới. Với bản chất nhà nước
của dân, do dân và vì dân, những giá trị đạo đức nghề nghiệp hướng tới xây dựng
một nền công vụ mới, phục vụ nhân dân được chú trọng, hình thành và phát triển
trên nền tư tưởng đạo đức mới, pháp luật mới. Trong hệ thống pháp luật mới đã
xuất hiện và ngày càng hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về công chức,
công vụ. Nhiều nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mới của xã hội mới được thể chế
hóa thành những quy phạm pháp luật cho chuẩn mực hành vi của cán bộ, công chức
trong thi hành công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xây dựng nền công vụ
mới, gắn với nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Quyền lực nhà
nước liên quan trực tiếp đến nền công vụ, được phản ánh qua một trong những nội
dung cốt yếu của nền công vụ, đó là đội ngũ cán bộ, công chức. Bất kỳ nhà nước
nào cũng phải định ra những chuẩn mực đạo đức trong nền công vụ của mình. Ngoài
những nội dung chuẩn mực mà nhiều quốc gia sử dụng tương tự như nhau, thì tuỳ
theo đặc điểm văn hoá, tâm lý xã hội... mỗi quốc gia lại có những chuẩn mực đạo
đức đặc thù riêng trong nền công vụ của mình.
Chuẩn mực đạo
đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước
và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công
chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là
“nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín”.
Ngay từ năm
1950, trong điều kiện khó khăn, gian khổ của công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam . Với văn
bản này có thể nói, đây là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban
hành một hệ thống các quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý cho
việc xây dựng đội ngũ công chức cách mạng Việt Nam . Trong đó, tại Lời nói đầu, nội
dung về công chức và đạo đức công vụ đã được thể hiện rất rõ: “Công chức Việt
Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền
nhân dân…Công chức Việt Nam phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường
lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”.
Điều 2 của Quy
chế quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính
phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại
đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức
Việt Nam
phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Điều 3 Quy chế
công chức Việt Nam
quy định quyền lợi của công chức và tại các điều tiếp theo quy định việc tuyển
dụng, tổ chức, quản trị, sử dụng công chức.
Từ những quy
định trên có thể thấy, ngay trong Quy chế công chức đầu tiên của nước Việt Nam độc lập,
Nhà nước ta đã nêu lên những chuẩn mực đạo đức - pháp lý rất quan trọng đối với
công chức nhà nước. Lần đầu tiên những giá trị đạo đức truyền thống: cần, kiệm,
liêm, chính... được thể chế hoá thành những giá trị chuẩn mực pháp lý đối với
công chức Việt Nam .
Điều này có ý nghĩa quan trọng và vượt qua thời gian, đến nay những quy định
này vẫn còn nguyên giá trị.
Kế thừa và phát
huy những quy định pháp luật về công chức và đạo đức công vụ và nhằm đáp ứng
nhu cầu xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức trong tình hình mới, Hiến pháp
năm 1980 quy định tại Điều 8: “Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà
nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân,
lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ
nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”
Như vậy, với quy
định của Hiến pháp 1980, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam , Nhà nước
ta đã ban hành những chuẩn mực về đạo đức - pháp lý cho công chức và cơ quan
nhà nước trong đạo luật gốc, đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Hiến pháp 1992
tại Điều 8 cũng quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước
phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân
dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh
chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”.
Như vậy với quy
định này, Hiến pháp 1992 đã kế thừa Hiến pháp 1980 nhưng đồng thời phát triển
thêm lên để không ngừng hoàn thiện những nguyên tắc, những quy định hiến định
đối với đạo đức công vụ và các chuẩn mực pháp lý cho công chức nhà nước.
Căn cứ vào Hiến
pháp 1992, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có
trình độ, năng lực và tận tụy phục vụ nhân dân, trung thành với Tổ quốc, Nhà
nước ta đã ban hành Luật cán bộ, công chức, trong đó, những chuẩn mực đạo đức -
pháp lý được thể hiện một cách tập trung và rất cụ thể ở các quy định về nghĩa
vụ của công chức, như: trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn
trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng
nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Luật cán bộ,
công chức cũng quy định: trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức có nghĩa
vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn được giao; có ý thức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế
của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi
vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; chủ
động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản
nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên. Đối với cán bộ, công
chức là người đứng đầu thì còn phải thực hiện các nghĩa vụ như: chỉ đạo tổ chức
thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ
quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của
cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng,
quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về để xảy ra
quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức thực
hiện các quy định pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hoá công sở trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý
có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa
quyền, gây phiền hà cho công dân...
Với việc ban
hành Luật cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ đã có bước
phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức - pháp lý
cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức trong sạch, vững mạnh.
Luật Phòng,
chống tham nhũng cũng có những quy định phản ánh những nội dung về chuẩn mực
công chức, công vụ, trong đó xác định cụ thể cán bộ, công chức là một trong
những đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn. Xác định tham nhũng là hành vi
của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để tham ô,
hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài
sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan,
tổ chức. Những hành vi tham nhũng được xác định là: tham ô tài sản xã hội chủ
nghĩa; nhận hối lộ; lợi dụng chức quyền để đưa hối lộ, môi giới hối lộ; lợi
dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa...
Để đảm bảo các
nguyên tắc về chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức
và nhằm chống lãng phí, thực hành tiết kiệm ngân sách nhà nước, Luật Thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: thực hiện công vụ được giao đúng quy
định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, bảo đảm thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng tiền, tài sản nhà nước được giao đúng mục
đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
tham gia giám sát, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực công tác được phân công, kịp
thời phát hiện, tố cáo, ngăn chặn và xử lý hành vi gây lãng phí theo thẩm
quyền. Ngoài ra Luật cũng quy định cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy
định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật
bằng một trong các hình thức như: khiển trách; cảnh cáo... buộc thôi việc.
Chuẩn mực đạo
đức của cán bộ, công chức cũng được quy định trong thực hiện dân chủ trong hoạt
động của cơ quan khi thực thi công vụ. Trong quan hệ giải quyết công việc với
công dân, tổ chức, cán bộ, công chức phải làm việc đúng thẩm quyền, không được
quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà. Cán bộ, công chức
không tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại nhà riêng.
Cán bộ, công chức phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác
và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức theo quy
định của pháp luật. Trong hoạt động ở doanh nghiệp nhà nước và thực hiện dân
chủ ở xã cũng có những văn bản quy phạm pháp luật quy định chuẩn mực đạo đức
cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ...
Các chuẩn mực về
công chức và đạo đức công vụ đã được nhà nước ban hành dưới các hình thức văn
bản quy phạm pháp luật. Từ những nội dung cơ bản này, Chính phủ và chính quyền
các cấp, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nhà nước đã ban hành nhiều văn
bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện và quản lý sâu rộng hơn, cụ thể hơn
trong các hoạt động của nền công vụ. Đó là các quy định pháp luật về xây dựng
cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức một cách minh bạch; những quy
định nhằm tăng cường tính minh bạch thông qua việc công khai và giám sát đối
với tài sản và trách nhiệm cá nhân, hoặc các quy định nhằm nâng cao đạo đức
công vụ, hạn chế tiêu cực như sách nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ...
2. Một số giải pháp định hướng hành động
nhằm nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức
Đạo đức công vụ
của cán bộ, công chức là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động và quản lý nhà
nước có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi có những cơ chế, quy
định pháp luật tốt hơn, phù hợp hơn để duy trì và phát huy cao nhất các giá trị
cơ bản của nền công vụ - một nền công vụ vì dân. Việc hình thành nên các chuẩn
mực về tư cách đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức là rất quan trọng.
Sau đây có thể nêu một số giải pháp định hướng hành động nhằm nâng cao đạo đức
công vụ của cán bộ, công chức:
- Xây dựng và
ban hành Luật đạo đức công vụ trên cơ sở các quy định đã có về đạo đức cán bộ,
công chức và công vụ đã được quy định ở Luật cán bộ, công chức; Luật Phòng,
chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
- Đổi mới và cải
cách công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào
tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá và giải quyết các chính sách, chế độ
theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: tuân thủ Hiến pháp và pháp
luật; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát... để
giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động của nền công vụ;
- Cải thiện quan
hệ của cơ quan hành chính với dân, theo đó cần phải loại bỏ những thủ tục hành
chính gây phiền hà khi giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp; chấn chỉnh
bộ máy, ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng; cải cách triệt để các thủ
tục hành chính theo nguyên tắc thống nhất, công khai, đơn giản...;
- Thực hiện tốt
nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, trong đó chú ý kết hợp giữa tiêu chuẩn
chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế;
- Thực hiện tốt
dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức và nhân dân kiểm tra
giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức; việc chi tiêu tài chính công...;
- Tăng cường hệ
thống thanh tra công vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức
làm công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và định kỳ
các hoạt động công vụ;
- Chú trọng công
tác khen thưởng và xử lý vi phạm, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi
phạm pháp luật; nêu cao đạo đức công chức, công vụ, khen thưởng, động viên kịp
thời gương người cán bộ, công chức mẫn cán với công vụ
Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét