TRIẾT LÝ CÔNG VỤ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG MỘT NỀN CÔNG VỤ VÌ DÂN

GS.TSKH. NGUYỄN VĂN THÂM
Học viện Hành chính

1. Trên cơ sở tổng kết các tinh hoa của văn hóa nhân loại, truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, với thái độ rất lão thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm rất dễ hiểu: phải xây dựng một nhà nước vì dân, làm việc cho dân. Nói theo cách của chúng ta là một nền công vụ phục vụ nhân dân. Muốn như vậy nhà nước phải dân chủ, dân phải được bầu ra nhà nước của mình, phải được tham gia vào hoạt động của nhà nước và nhà nước phải hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân.

Nhà nước mới của ta từ khi được thành lập sau thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, đã làm được những việc rất lớn lao mà trước hết là cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng làm hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, giành lại non sông, thống nhất được đất nước. Sau mấy chục năm đổi mới, nhà nước ta đặt vị thế của đất nước lên một tầm cao mới và được bạn bè thế giới thừa nhận. Nước ta là thành viên của Liên Hợp Quốc, có quan hệ với 171 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tính đến hết năm 2007), là thành viên của nhiều tổ chức có quy mô và uy tín ( WTO, APEC, ASEAN...), từng làm tròn nhiệm vụ là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), là một trong 15 nước có tiếng nói trực tiếp trong giải quyết các xung đột quốc tế.
2. Tuy nhiên, trong khi không thể phủ nhận những điều nêu trên, người dân đang mong mỏi nhà nước ta phải giải quyết những điều đang đặt ra hết sức bức xúc, có khả năng tác động đến con đường phát triển tương lai của dân tộc. Phải có một triết lý công vụ đúng đắn, cụ thể, có tính thực tế; triết lý công vụ đó phải đi vào đời sống cộng đồng để đảm bảo giải quyết tốt những vấn đề mà xã hội đang đặt ra cho nền công vụ hiện nay. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rất thực tế: “Nếu nước độc lập, mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. “Dân chỉ biết giá trị của tự do của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (1).
3. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để có được một chính quyền vững mạnh, luôn luôn được nhân dân tin cậy và ủng hộ? Làm thế nào để quan điểm xây dựng chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đi vào đời sống xã hội bền vững? Nói cách khác, chúng ta sẽ vận dụng quan điểm mà các lãnh tụ cách mạng đã đề ra như thế nào, nhất là trong tình hình phức tạp như hiện nay, để củng cố và giữ vững chính quyền? Tiêu chí thực sự có thể hiểu được cụ thể của một cán bộ vì dân là gì, để mọi người phấn đấu noi theo?
4. Khi nói về công vụ và nền công vụ cần lưu tâm một điều là, khái niệm này có nội hàm khá rộng và vì vậy có khá nhiều quan điểm nhìn nhận về nó không giống nhau. Nhưng dù sao, nói đến một nền công vụ cũng là nói đến hoạt động của nhà nước, với nhiều yếu tố hợp thành như thể chế công vụ, đội ngũ công chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước... Công vụ hiểu một cách thật đơn giản là việc công do các công chức, cán bộ nhà nước thực hiện nhằm triển khai các chính sách của nhà nước trong quá trình quản lý các mặt của đời sống xã hội. Hoạt động công vụ được điều chỉnh bởi ý chí nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước và gắn với quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước.
Có một thời kỳ chúng ta vẫn quan niệm đơn thuần rằng với chức năng của mình, dựa trên cơ sở quyền lực được giao và quyền uy tạo dựng được, nhà nước quản lý công việc bằng cách đưa ra các mệnh lệnh và đòi hỏi đối tượng bị quản lý phục tùng tuyệt đối. Quan niệm đó trong điều kiện mới chắc chắn là không đầy đủ, nếu không muốn nói là sai. Ngày nay, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước đã có nhiều thay đổi, theo hướng phục vụ nhân dân. Nhà nước phải điều chỉnh cách làm để đáp ứng nhu cầu của dân, nhất là những cách làm sai lầm. Thực ra, nếu nghiên cứu kỹ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công vụ nhà nước thì có thể nói quan điểm phục vụ dân của nhà nước kiểu mới không phải bây giờ chúng ta mới biết đến, mà quan điểm đó Bác Hồ đã nói đến từ lâu. Ngay từ năm 1941, trong Chương trình của Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân. Chúng ta cần phải quan niệm công vụ với một khái niệm đầy đủ và chính xác hơn, không nên coi công vụ đơn thuần chỉ là các hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, mà đây là những việc nhà nước làm để phục vụ dân, để được dân phục vụ lại và bảo vệ. Bác Hồ nhắc cán bộ phải là công bộc của dân, phải phục vụ dân, đến với  dân, dù khó khăn thế nào mặc lòng phải giải quyết các yêu cầu của  dân. Tiêu chuẩn của cán bộ, công chức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra, phải bao hàm trong đó những tiêu chuẩn căn bản nhất của con người. Đó là lòng vị tha, nhân bản, đức hy sinh và lòng tận tụy với công việc. Triết lý công vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh nhân cách của Người, lý tưởng của Người với dân tộc. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ham muốn của mọi người dân Việt Nam, được có công lý, công bằng xã hội, chính trị, quyền được đối xử công bằng trong cuộc sống, dù ở cương vị nào, tầng lớp nào trong xã hội. Để thực hiện triết lý đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một cuộc cách mạng với mục tiêu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam.
Triết lý công vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là triết lý hành động, là làm như thế nào chứ không đơn thuần là nói như thế nào. Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm là cán bộ của Đảng và Nhà nước phải hành động như thế nào để thực sự trở thành công bộc của dân. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn hành động theo mục tiêu đó. Bác thường giáo dục cán bộ không phải bằng lời nói đơn thuần mà bằng hành động cụ thể để nêu gương, nói đi đôi với làm. Mỗi hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang theo một thông điệp về lý tưởng mà người theo đuổi và lấy đó làm gương cho mọi người. Cuộc đời Bác là một tấm gương tiêu biểu cho mọi người noi theo. 
Sở dĩ mọi người đều khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ gần dân vì thực tế cho thấy, hiếm có vị lãnh tụ nào nếm mật nằm gai chịu khổ cùng quân, dân trong những năm kháng chiến, rồi lại sát cánh cùng cả nước dựng xây trong những năm hòa bình, sống giản dị như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sở dĩ vĩ đại vì Người đã đưa được văn hóa vào thực tế sống của mình và tạo nên triết lý sống, hành động không phải cho mình mà cho mọi người. Bác  không nói nhiều về dân chủ nhưng làm mọi việc đều dân chủ. Bác luôn luôn chú ý lắng nghe ý kiến mọi người, tìm đến với nhân dân, không kể vị trí xã hội của họ ra sao. Chính là tính nhân bản trong triết lý công vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và thực hiện trong suốt cuộc đời mình đã làm cho Người trở thành bất diệt trong lòng mọi người, trong nước cũng như ngoài nước và trong mọi thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1923, nhà thơ Xô-Viết Oxit Măngđenstand khi gặp Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là văn hóa của tương lai...” (2). Văn hóa tương lai đó là văn hóa vì con người và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, hành động, phấn đấu suốt đời vì nền văn hóa như vậy.
5. Chúng ta cần những điều kiện gì để có thể đưa được triết lý công vụ Hồ Chí Minh vào cuộc sống?
Điều kiện đầu tiên chắc chắn phải có, đó là xây dựng được một cơ chế để thực hiện dân chủ trong các hoạt động công vụ. Phải tiến tới xây dựng một xã hội mà bản chất của nó như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là để người dân có đủ điều kiện nói lên tiếng nói của mình, để mọi yêu cầu về quyền lợi chính đáng của dân được nhanh chóng giải quyết. Trong quản lý đất nước, xã hội đòi hỏi đáp ứng các quyền của người dân, như quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ về hoạt động công vụ, quyền phản biện những quyết định có liên quan đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.v.v... phải có một cơ chế để thực hiện hiệu quả. Thiếu một cơ chế thích hợp thì những quyền cơ bản như thế sẽ không thực hiện được và dân chủ sẽ chỉ có tính hình thức, mất đi ý nghĩa đích thực mà  nó cần phải có. 
Điều kiện thứ hai, rất quan trọng, đó là phải xây dựng được một nền công vụ phù hợp với yêu cầu của sự phát triển xã hội trong thời kỳ mới. Xây dựng các thể chế, chính sách về công vụ, công chức gắn với yêu cầu vận hành trong điều kiện mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với yêu cầu đó và xây dựng hệ thống tổ chức thích hợp, hiện đại, quản lý công chức, công sở hiệu quả. Tại sao chúng ta cần điều kiện này? Bởi vì, nếu không có một nền công vụ tương ứng với các yêu cầu mới thì các triết lý công vụ dù có nói hay đến đâu cũng không có khả năng đi vào thực tế như chúng ta mong muốn. Khi công dân thực sự là chủ thể của nhà nước và xã hội, được bảo đảm về mặt thể chế thì họ sẽ có quyền tự do cá nhân tham gia vào các hoạt động nhà nước vì lợi ích chung và cũng là lợi ích của chính họ. Cán bộ, công chức nhà nước không có quyền nhân danh nhà nước mà hy sinh quyền lợi của người dân, nói cách khác là phải phục vụ dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi và làm gương suốt đời mình.
Điều kiện thứ ba, đó là, chúng ta cần có một đội ngũ cán bộ, công chức được đào luyện trong thực tế, có khả năng làm việc, có trình độ chuyên môn cụ thể. Muốn vậy, cần thay đổi cách tuyển chọn và đánh giá cán bộ. Cán bộ phải được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn cụ thể gắn với yêu cầu công việc và việc đào tạo, bồi dưỡng họ lại càng cần phải như thế. Tuyển chọn cán bộ theo tiêu chuẩn chung chung, đánh giá cũng theo tiêu chuẩn chung chung, hơn nữa bồi dưỡng cũng chung chung thì hệ quả của các hoạt động công vụ là chất lượng hạn chế. Muốn thực hiện công vụ theo triết lý Hồ Chí Minh thì phải có những tiêu chí cụ thể, phải vì dân, vì con người, hơn thế nữa, vì mọi người 


Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996,tr 56.

(2) Theo Hoàng Nam Ninh “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”.

Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn

Nhận xét