RÈN LUYỆN VÀ TU DƯỠNG ĐẠO ĐỨC CÔNG CHỨC THEO QUAN ĐIỂM CẦN – KIỆM – LIÊM – CHÍNH CỦA HỒ CHÍ MINH

▀ BÙI THỊ NGỌC MAI
Viện Nghiên cứu khoa học hành chính


S
inh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức của người cách mạng. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người nói: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác từng nói: “Đạo đức như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, sức mạnh của con người, sức có mạnh mới gánh được nặng, và đi được xa”.

Như vậy, theo Bác, đạo đức chính là gốc. Nếu gốc vững, thì con người dễ dàng phát huy tài trí, tự làm sáng bản thân và trở thành con người có ích cho xã hội. Nếu gốc ấy không vững, thì con người dễ dàng ngả nghiêng, sa ngã, “lòng dạ không còn trong sáng nữa”. Và khi đó, con người đó sẽ tự làm xấu chính mình và làm hại người khác.
Đối với người công chức, đạo đức càng quan trọng. Là cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân, ngoài năng lực, người công chức phải thực sự là những người có tư cách đạo đức tốt. Bởi lẽ, như Bác nói, “Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác cũng nói: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều đó cho thấy, mọi cán bộ, công chức phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc mọi nơi. Nói cách khác, tư cách đạo đức của mỗi công chức đều có tác động mạnh mẽ đến người dân. Nếu không có đạo đức tốt, người công chức sẽ trở thành tấm gương xấu có thể gây mất lòng tin và giảm hiệu quả hoạt động của cả bộ máy hành chính.
Hiện nay, việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức đối với người công chức càng trở nên cần thiết, bởi những đòi hỏi của đời sống xã hội, của người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước ngày càng cao. Đồng thời, trong nền kinh tế thị trường, những cám dỗ vật chất và tinh thần từ cuộc sống tác động rất mạnh mẽ; nếu không luôn luôn rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, người công chức sẽ nhanh chóng xa rời mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm mất lòng tin của quần chúng, từ đó, làm yếu đi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, học tập, rèn luyện theo quan điểm Hồ Chí Minh về vấn đề rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của người cách mạng, trong đó có đội ngũ công chức, là việc làm rất cần thiết.
Nội dung của đạo đức công chức theo quan điểm Hồ Chí Minh
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần, kiệm, liêm, chính” là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất của con người mới, đồng thời là chuẩn mực cơ bản của nền đạo đức mới của dân tộc ta. Nghiên cứu tư tưởng của Người, có thể nhận thấy, đây là những phẩm chất được Người đề cập nhiều nhất, thường xuyên nhất với một nội dung đạo đức vừa rất mới, rất cách mạng mà lại vẫn rất quen thuộc, truyền thống.
Tháng 3/1947, Bác kêu gọi thi đua xây dựng “đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính”. Sau đó, Bác viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, trong đó, Bác coi đó là bốn đức tính không thể thiếu, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Bác viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”.
Như vậy, đối với Bác, đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất hàng đầu của đạo đức. Bốn đức tính này trở thành nền tảng cơ bản để trở thành một con người có đạo đức, cơ bản đến mức, “thiếu một đức thì không thành người”. Đây là những đức tính mà bản thân mỗi cán bộ, công chức lấy đó để điều chỉnh, soi rọi, thực hiện trong mọi hoạt động.
Nội dung cụ thể của bốn chữ này áp dụng cho đội ngũ công chức được Bác diễn giải hết sức dễ hiểu và thấu đáo. Mặc dù sử dụng khái niệm của Nho giáo nhưng cách nói của Bác rất cụ thể và gần gũi với người công chức.
Trước hết, nói về Cần, Bác nói: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Bác còn nói: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Như vậy, đối với công chức, Cần tức là làm đủ số thời gian nhà nước quy định. Đồng thời, Cần cũng có nghĩa là công việc của ngày nào phải làm xong trong ngày ấy. Cách nói của Bác về chữ Cần như vậy là rất chặt chẽ. Bởi lẽ, trên thực tế, có những công chức có mặt đủ số giờ ở cơ quan, nhưng thời gian đó chỉ để giải quyết việc cá nhân, còn công việc cơ quan cứ lần lữa không làm. Những công chức như thế, và những công chức đi sớm về muộn, đều là “lười biếng” như nhau. Bác nhấn mạnh, những công chức lười biếng, không siêng năng chăm chỉ ấy, chính là những người đang “lừa gạt dân”.
Về Kiệm: “là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ của dân, của nước, của bản thân mình; tiết kiệm từ cái to tới cái nhỏ”. Từ lý giải này của Bác, có thể hiểu Kiệm không chỉ có nghĩa là tiết kiệm tiền của, mà quan trọng hơn, đó là tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời, không chỉ là tiết kiệm tiền của, thời gian, công sức của bản thân mình, mà còn là tiết kiệm tiền của, thời gian, công sức của người khác.
Từ quan điểm này cho thấy, đối với công chức, công vụ, việc đáng một người làm cũng xong nhưng lại dây dưa hai, ba người mới giải quyết được, đó là xa xỉ, không tiết kiệm. Giải quyết công việc chậm trễ, công việc đáng giải quyết trong một giờ, một ngày mà kéo dài ra hai ba giờ, hai ba ngày, khiến dân phải đi lại nhiều lần, hao tổn thời gian và sức lực, đó cũng là không tiết kiệm.
Quan điểm này của Bác rất có ý nghĩa khi chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính theo hướng tinh giản biên chế, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, cơ quan, đồng thời quy định rõ thời hạn giải quyết công việc của công chức. Thực hiện tốt những việc này cũng chính là thực hiện chữ Kiệm theo quan điểm của Bác.
Bác cũng nói rõ: tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là gặp việc gì đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới là kiệm.
Nói về Liêm, Bác cho rằng: “cán bộ cơ quan, đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên tai hại, biến thành sâu mọt của nhân dân”. Như vậy, theo Bác, những người làm trong bộ máy nhà nước rất dễ có cơ hội để tham ô, tham nhũng. Đó là khi họ nắm trong tay quyền hành nhưng “thiếu lương tâm”, không giữ được chữ cần, kiệm, liêm, chính. Do đó, Bác yêu cầu “những người trong công sở phải lấy liêm làm đầu”, nghĩa là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”, “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham tâng bốc mình”.
Từ quan điểm này cho thấy, để đạt được chữ Liêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công chức phải thực sự rũ bỏ lòng tham, không chỉ đối với tiền bạc vật chất mà cả với những danh vọng, địa vị, chức tước. Những tiền tài và danh vọng đó có sức quyến rũ vô cùng mạnh mẽ. Nằm trong bộ máy nhà nước, nắm trong tay quyền lực, người công chức rất dễ bị những cám dỗ đó lôi kéo. Và khi quyền lực kết hợp với lòng tham, thì từ người công chức bỗng trở thành con mọt đục khoét của công, hay trở thành ông quan cách mạng, chỉ là trong gang tấc. Do đó, đối với người công chức, thực hiện chữ Liêm là vô cùng cần thiết, mặc dù rất khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến mấy, cũng phải “lấy Liêm làm đầu”.
Về chữ Chính, Bác nói rất cụ thể. Bác dặn người công chức: “mình là người làm việc cần phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công minh, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hay tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà bổ họ vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất lòng mà dìm những kẻ có tài hơn mình”.
Theo Bác, Chính còn có nghĩa là “ngay thẳng, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để công lên trên lên trước việc tư. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng phải tránh”.
Đó là những điều Bác đã nói rất rõ về chữ Chính và dường như nó vẫn còn nguyên giá trị đối với bộ máy hành chính và đội ngũ công chức. Hiện nay, những biểu hiện tiêu cực vẫn đang còn tồn tại trong nền công vụ và đội ngũ công chức. Đó là: dùng người thì đưa “con ông cháu cha” vào bộ máy, những người tài giỏi, cương trực thì bị trù dập; một số công chức nịnh bợ luồn cúi, đi bằng đầu gối để thăng quan tiến chức; tình trạng thấy việc ác chẳng lên tiếng, thấy việc hay cũng lặng im, vì sợ va chạm, ngại đấu tranh... Đó là những biểu hiện lệch lạc đạo đức trong nền công vụ, đi chệch ra khỏi chữ “Chính” theo quan điểm Hồ Chí Minh. Rèn luyện và tu dưỡng theo đúng chữ Chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể xoá bỏ được những vấn đề này và xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, ngay thẳng, một nền công vụ hiệu quả.
Nguyên tắc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức theo quan điểm Hồ Chí Minh
Nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt
Công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở đều phải nói đi đôi với làm để làm mực thước cho nhân dân thực hiện theo, như vậy mới có sức thuyết phục. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là một tấm gương nói đi đôi với làm. Do đó, từ Bác có một sức lan toả, lôi kéo mãnh liệt để mọi người thực hiện theo lời kêu gọi của Người.
Xây đi đôi với chống
Đồng thời với rèn luyện đạo đức, cần phải đấu tranh chống những hành vi phi đạo đức. Đó hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Nó không chỉ là việc chống những hành vi phi đạo đức của người khác, mà khó khăn hơn, nó là sự tự đấu tranh trong bản thân mỗi một con người nhằm chống lại lòng tham, sự vị kỷ, óc tư lợi, cái mà Bác gọi là “lòng tà”, là “kẻ thù trong mình”. Chống là để xây dựng và hoàn thiện đạo đức của mỗi con người. Không chống thì khó có thể xây được.
Tu dưỡng bền bỉ suốt đời
Bác từng nói: “đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Nhưng tất cả những tốt, xấu, hiền, dữ, thiện, ác đều lệ thuộc vào sự giáo dục và rèn luyện mà nên”.
Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là việc cần thực hiện bền bỉ, “như rửa mặt hằng ngày”. Và vấn đề quan trọng là mỗi người phải biết tự nhận thức chính bản thân mình để từ đó khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Đó chính là sự “tu thân”, việc đầu tiên cần làm để trở thành người “quân tử”. Và điều đó cần thực hiện bền bỉ suốt đời. Bác đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Những quan điểm của Bác về việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức dành cho cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị đối với đội ngũ công chức chúng ta ngày nay. Rèn luyện bản thân theo bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, người công chức sẽ trở thành người có tư cách đạo đức sáng trong, thực sự trở thành con người cách mạng, thực tâm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và đồng thời, đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình 


Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002.
2. Hữu Thọ, Công tác tư tưởng - văn hoá với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chungta.com, ngày 15/5/2008.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, www.nhietlanhvietnam.net, ngày 27/4/2009.

Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn

Nhận xét