MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI TRONG CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC

▀ ThS. HOÀNG QUỐC LONG
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ

N
gày 15/3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định 24), hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức. Bài viết này giới thiệu một số nội dung mới trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

1. Việc mô tả, xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24 quy định: “việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công chức”.
Việc mô tả, xác định vị trí việc làm là quy định mới trong quản lý công chức, chưa có thực tiễn áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, Nghị định không quy định cụ thể về cách mô tả, xác định vị trí việc làm, mà giao cho cơ quan sử dụng công chức trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng công chức cho phù hợp với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; làm cơ sở cho việc xác định biên chế và cơ cấu công chức; đồng thời là căn cứ để tuyển dụng và quản lý đội ngũ công chức. Theo đó, trong tuyển dụng, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí dự tuyển là các điều kiện cụ thể do cơ quan sử dụng công chức xây dựng trên cơ sở bản mô tả công việc của vị trí việc làm, bao gồm các điều kiện về chuyên ngành đào tạo, các kỹ năng, kinh nghiệm, thâm niên công tác hoặc yêu cầu về độ tuổi, giới tính, sức khỏe phù hợp với vị trí cần tuyển. Việc mô tả, xác định vị trí việc làm cũng đồng thời làm căn cứ để xác định chỉ tiêu dự thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Đây là những vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tế nên cần triển khai thực hiện thí điểm trong một số năm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế và xây dựng thành quy định cụ thể. Do vậy, để triển khai các quy định của Luật cán bộ, công chức về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, ngoài quy định của Nghị định này, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo chức danh ngạch; sau một thời gian thực hiện sẽ tổng kết, đánh giá để trình Chính phủ quy định cụ thể về mô tả, xác định vị trí việc làm áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Việc tuyển dụng công chức trong các trường hợp đặc biệt
Ngày 4/9/2008 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BNV hướng dẫn thực hiện một số quy định về thi nâng ngạch công chức. Nội dung Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự thi và miễn một số môn thi trong kỳ thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên và tương đương lên ngạch chuyên viên chính và tương đương; từ ngạch chuyên viên chính và tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương. Theo quy định, công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí công tác phù hợp thì có thể được nâng ngạch. Việc nâng ngạch cho công chức phải thông qua kỳ thi nâng ngạch. Công chức tham gia thi nâng ngạch phải đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự thi, có đủ văn bằng, chứng chỉ của ngạch đào tạo, bồi dưỡng, đạt hệ số lương tối thiểu quy định và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức cử tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, việc nâng ngạch cho cán bộ, công chức, mặc dù thực hiện thông qua các kỳ thi, nhưng chưa có tính cạnh tranh, vẫn nặng về “cử” hơn là “thi”; còn chú ý giải quyết chế độ, chính sách hơn là gắn với cơ cấu ngạch, với nhu cầu, vị trí công tác của từng cơ quan.
Mặt khác, việc nâng ngạch là theo chỉ tiêu phân bổ nên nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức dẫn đến số lượng chuyên viên cao cấp ở một số địa phương rất ít và thường là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Đối với cấp huyện, chuyên viên chính chỉ có một số cán bộ, công chức là lãnh đạo chủ chốt có bậc lương tương đương. Nếu xuất phát điểm cán bộ, công chức có trình độ như nhau nhưng người công tác ở cấp thấp hơn thường thiệt thòi hơn, vì vậy gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, công chức cho cơ sở. Do đó, việc nâng ngạch chưa thật sự là biện pháp hữu hiệu lựa chọn công chức giỏi để bổ nhiệm và cử giữ các chức vụ cao hơn trong hoạt động công vụ.
Để tạo điều kiện thu hút những người có tài năng, kinh nghiệm công tác, kể cả từ các khu vực ngoài nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước theo chính sách đối với người có tài năng quy định tại Điều 6 Luật cán bộ, công chức; mặt khác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức trong việc tuyển dụng công chức, đáp ứng nhu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, Điều 19 Nghị định 24 quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt sau:
- Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước;
- Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài;
- Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và để có cơ sở giải quyết chế độ, chính sách tiền lương đối với các trường hợp được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt, Nghị định 24 quy định: đối với trường hợp khi được tuyển dụng vào công chức theo quy định, đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần và được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm, thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, thời gian có đóng bảo hiểm bắt buộc đứt quãng thì được cộng dồn.
Việc tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với công chức trong các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Nghị định 24 căn cứ vào chính sách đối với người có tài năng theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Do vậy, trong khi Chính phủ chưa có quy định cụ thể về chính sách đối với người có tài năng thì các bộ, ngành, địa phương khi tiếp nhận hoặc xếp ngạch, bậc lương đối với từng trường hợp theo quy định tại Nghị định này cần phải thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương trước khi quyết định theo thẩm quyền để bảo đảm tương quan, cân đối chung, tránh việc áp dụng tràn lan quy định đặc biệt này.
3. Quy định về xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên
Theo quy định của của Điều 62 Luật cán bộ, công chức, cán bộ, công chức cấp xã nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên (liên thông cả 4 cấp chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Tuy vậy, không có nghĩa là tất cả cán bộ, công chức cấp xã khi thôi giữ chức vụ được chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên mà chỉ thực hiện đối với những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Khi xét chuyển, ngoài căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ, công chức cấp xã còn phải căn cứ vào nhu cầu, chỉ tiêu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng công chức. Về quy trình xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên thực hiện như quy trình điều động công chức (thuộc thẩm quyền của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).
Các quy định liên quan đến xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên được quy định như sau:
Điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển:
- Cán bộ cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật cán bộ, công chức khi thôi giữ chức vụ theo nhiệm kỳ và công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật cán bộ, công chức, nếu có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định 24 thì được xem xét chuyển thành công chức.
- Khi xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức phải căn cứ vào nhu cầu, chỉ tiêu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng công chức và điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm;
- Phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch, chức danh hoặc vị trí việc làm của công chức được xét chuyển;
- Có thời gian giữ chức vụ bầu cử hoặc thời gian làm công tác chuyên môn theo chức danh ở xã, phường, thị trấn từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên. Trường hợp thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội bắt buộc một lần thì được cộng dồn;
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian giữ chức vụ bầu cử hoặc làm công tác chuyên môn theo chức danh ở xã, phường, thị trấn;
- Không trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của toà án mà chưa được xoá án tích, đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
 Thẩm quyền xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên:
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 24 thực hiện việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Việc tổ chức thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh
Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật cán bộ, công chức, kỳ thi nâng ngạch công chức được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Đây là một nội dung mới của Luật cán bộ, công chức nhằm tạo cơ sở pháp lý và đẩy mạnh quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Việc tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm lựa chọn đúng người có năng lực và các phẩm chất phù hợp để bố trí vào các vị trí cao hơn trong bộ máy nhà nước. Để triển khai thực hiện tốt việc tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, cần thiết phải có bước đi và lộ trình thích hợp. Trước mắt, sẽ tiến hành thực hiện thí điểm trong một số năm để có đủ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ quy định về thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh để trình Chính phủ cho phép triển khai thí điểm; trên cơ sở kết quả thí điểm, sẽ hoàn thiện cơ chế và xây dựng thành quy định cụ thể để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Do vậy, trong những năm đầu triển khai thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, Nghị định 24 chỉ quy định việc cạnh tranh được thực hiện trong cùng một bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo nguyên tắc số lượng công chức được cử tham dự kỳ thi phải cao hơn so với chỉ tiêu nâng ngạch.
5. Quy định về trình tự, thủ tục đánh giá công chức
Hiện nay, việc đánh giá công chức còn nặng tính hình thức, nể nang, dựa vào chủ quan, cảm tính, không xác định rõ trách nhiệm, thậm chí làm qua loa, chiếu lệ. Phương pháp, nội dung và tiêu chí đánh giá công chức còn bất cập; chưa chú trọng đến hiệu quả và kết quả thực thi công vụ của công chức. Tiêu chí đánh giá còn dàn trải trên các mặt như: tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, sự phối hợp trong công tác... Việc đánh giá theo các tiêu chí không rõ ràng ảnh hưởng đến việc xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, gây khó khăn cho công tác bình xét khen thưởng, kỷ luật đối với công chức. Do đó, việc đánh giá không khuyến khích được công chức phát huy tính sáng tạo, khả năng tư duy và nâng cao năng lực trong thực thi công vụ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, phương pháp, nội dung đánh giá đã được đổi mới theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Theo tinh thần của Luật cán bộ, công chức, Nghị định 24 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đánh giá đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình tự, thủ tục đánh giá đối với công chức là cấp phó của người đứng đầu và công chức còn lại.

 Tiêu chí, phương pháp, nội dung đánh giá được đổi mới theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá hoặc quy định chỉ tiêu chất lượng của công chức, do ứng với mỗi vị trí việc làm phải có tiêu chí khác nhau, nên trong Nghị định này chưa quy định cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện, khi việc mô tả, xác định vị trí việc làm trở thành nền nếp, ổn định sẽ là cơ sở để cơ quan sử dụng công chức quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá công chức cho phù hợp 

Nhận xét