MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC Ở NƯỚC TA

▀ ThS. LÊ MINH HƯƠNG
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ

S
ự cần thiết khách quan của việc xây dựng, phát triển đội ngũ công chức ở nước ta

Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức ở nước ta trước hết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh chuyên nghiệp, từng bước hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là khâu trung tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trong đó, việc xây dựng, phát triển đội ngũ công chức là yêu cầu khách quan, trực tiếp đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cải cách nền hành chính nhà nước.

Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức để đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải xây dựng nền hành chính nhà nước vững mạnh, ổn định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: công chức nhà nước ở mọi cấp đều là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân chứ không phải là quan cách mạng. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức vững mạnh, góp phần quan trọng phát huy nội lực của mọi thành phần và khu vực kinh tế vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định xã hội và công bằng xã hội.
Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức để đáp ứng yêu cầu khách quan của thời kỳ hội nhập quốc tế và hoàn thiện các cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu những nhược điểm về năng lực và trình độ tổ chức quản lý như hiện nay không nhanh chóng được khắc phục, chúng ta rất khó có thể đẩy nhanh hơn nữa công cuộc đổi mới đất nước và cải cách nền hành chính theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì năng lực của đội ngũ công chức càng phải được nâng lên tương xứng, đáp ứng được sự phát triển cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Về giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ công chức ở nước ta theo chúng tôi, bao gồm hai nhóm giải pháp như sau:
1. Nhóm các giải pháp dài hạn
Thứ nhất, trên cơ sở quy định của Luật cán bộ, công chức, thời gian tới cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản của Chính phủ cụ thể hoá quy định của Luật về đội ngũ công chức (1). Đến năm 2020, cần thiết phải ban hành và đưa vào thực hiện đồng bộ hệ thống quy định về chuẩn chức danh, tiêu chuẩn công chức lãnh đạo từ cấp trưởng phòng và tương đương đến thứ trưởng và tương đương của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giám đốc sở và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trưởng phòng và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc uỷ ban nhân dân cấp xã; xây dựng và tổ chức thực hiện tiêu chuẩn các ngạch công chức thừa hành ở cả bốn cấp hành chính.
Thứ hai, lựa chọn, đào tạo, tạo nguồn và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Gắn với Chiến lược lược cán bộ từ nay đến năm 2020 của Đảng, nên tập trung tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức một cách chuyên nghiệp ở trong nước và chú trọng việc đưa công chức trong diện quy hoạch nguồn đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo có uy tín của các quốc gia trên thế giới nhằm tận dụng, khai thác thế mạnh về đào tạo kiến thức chuyên môn sâu với kỹ năng hành chính, sử dụng tốt ngoại ngữ. Để thực hiện giải pháp này, việc thành lập Học viện Công vụ là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét để thống nhất việc đào tạo đội ngũ công chức cho cả nước và phấn đấu trong khoảng 10 năm tới, các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện chỉ bổ nhiệm vào ngạch công chức lãnh đạo những người đã hoàn thành chương trình đào tạo hệ dài hạn tập trung tại Học viện Công vụ (2).
Thứ ba, ban hành và đưa vào thực hiện các văn bản quy định về phương pháp xác định số lượng và cơ cấu vị trí việc làm để xác định số lượng công chức trong các cơ quan nhà nước; xây dựng hệ thống chức danh, tiêu chuẩn các ngạch công chức chuyên ngành (bao gồm tiêu chuẩn công chức lãnh đạo và công chức thừa hành); đổi mới cơ chế, phương pháp, nội dung và hình thức tuyển dụng, lựa chọn công chức phù hợp với việc kết hợp hệ thống chức nghiệp - việc làm gắn với năng lực làm việc; đổi mới phương pháp, nội dung và hình thức đánh giá công chức.
Thứ tư, gắn với Chương trình tổng thể cải cách hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy hoạch tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng chậm nhất đến năm 2020, đội ngũ công chức về cơ bản phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của bộ, ngành, địa phương và nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hiện đại hoá nền hành chính, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử; nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính cho đội ngũ công chức phù hợp với từng vị trí, chức trách nhiệm vụ và ngạch công chức đang đảm nhận.
Thứ năm, nghiên cứu, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm công chức lãnh đạo để khắc phục tình trạng "... chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước còn chưa cụ thể, rõ ràng... có tình trạng cấp uỷ bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Chậm ban hành những quy định cụ thể về phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước...(3). Làm tốt được vấn đề này thì bộ máy nhà nước  sẽ được hoàn thiện, đem lại hiệu lực, hiệu quả và phát huy được vai trò của mình, ý thức pháp luật của công chức được nâng lên. Điều đó cũng phù hợp với xu hướng công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy nhà nước.
Thứ sáu, đổi mới công tác tổ chức nhân sự của các cơ quan nhà nước theo hướng tiếp tục làm rõ, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ; các vụ (ban) tổ chức cán bộ ở các bộ, ngành; xây dựng quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước và quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể cơ quan trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.
2. Nhóm các giải pháp ngắn hạn
Một là, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức: trên cơ sở quy định của Luật cán bộ, công chức và Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Bộ Nội vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai thực hiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trước mắt, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh để kết hợp đào tạo đội ngũ công chức với việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, giảng dạy. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng gắn lý luận với thực tiễn quản lý nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học. Tăng cường cập nhật kiến thức mới cho công chức lãnh đạo, quản lý và công chức thừa hành.
Hai là, thực hiện quy hoạch nguồn công chức lãnh đạo: trình cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn một số bộ, ngành, uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thí điểm phân công, bố trí những công chức có năng lực, phẩm chất tốt, có triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại một số cơ quan nhà nước các cấp ở Trung ương và địa phương hoặc đưa đi đào tạo, luân chuyển, làm nhân sự nòng cốt cho các cơ quan nhà nước trong những năm tiếp theo.
Ba là, đổi mới việc đánh giá công chức: cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành Quy chế đánh giá công chức theo hướng kế thừa và đổi mới từ nội dung, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức hiện nay; xây dựng thiết chế để nhân dân tham gia giám sát đội ngũ công chức một cách thiết thực. Đề cao tự đánh giá của công chức và nhận xét của thủ trưởng cơ quan; đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt nên có gợi ý của đảng ủy cấp trên và thủ trưởng trên một cấp. Đổi mới tiêu chí đánh giá công chức theo hướng căn cứ vào tiêu chuẩn, trong đó đặc biệt chú ý đến hiệu quả công tác. Cụ thể là, so với tiêu chuẩn ngạch công chức đang giữ (chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp) thì lĩnh vực được giao quản lý trong thời gian giữ ngạch được đánh giá là có phát triển không và có để xảy ra những việc làm gây hậu quả xấu cho cơ quan, ban, ngành không... Ban hành quy trình đánh giá công chức thống nhất trong toàn hệ thống các cơ quan nhà nước, đảm bảo dân chủ trong đánh giá và thông báo công khai đối với công chức được đánh giá.
Bốn là, đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động công chức: đối với một số chức danh công chức, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục luân chuyển một số công chức hàm thứ trưởng và vụ trưởng tuổi còn trẻ, có triển vọng và có thể đảm đương chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước thêm ít nhất một nhiệm kỳ về làm lãnh đạo cơ quan nhà nước (uỷ ban nhân dân và giám đốc sở) một số địa phương. Đồng thời, điều động một số công chức lãnh đạo uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và giám đốc sở có năng lực về giữ chức vụ lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Ở địa phương, Sở Nội vụ phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh uỷ, Thành ủy tham mưu để điều động, luân chuyển một số công chức hàm phó giám đốc sở và tương đương về làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện; luân chuyển một số phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện giữ chức vụ phó giám đốc các sở, ngành của tỉnh; luân chuyển công chức trẻ, có triển vọng ở tỉnh và huyện về làm công chức ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường luân chuyển công chức giữa các bộ, ngành.
Năm là, thực hiện rà soát việc bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức: cần tổ chức một đợt rà soát việc bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức nhằm bảo đảm sự công tâm, khách quan, phù hợp với năng lực, sở trường của công chức và vì mục đích chung của cơ quan. Chủ động bố trí, sắp xếp công chức có năng lực, triển vọng đảm nhiệm các công việc để có điều kiện học tập, thử thách, rèn luyện, phấn đấu và tự khẳng định, nhất là đối với diện quy hoạch công chức lãnh đạo và công chức thừa hành; đảm bảo kết hợp các thế hệ, độ tuổi. Kiên quyết thay thế những công chức lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước trì trệ, yếu kém, thường xuyên để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta thời gian tới là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp. Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, trở ngại, vì vậy rất cần có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, phải rất quyết tâm và coi đó là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống thì mới có thể thực hiện thành công nhiệm vụ này 


Ghi chú:

(1) Thực hiện Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Luật cán bộ, công chức, đến nay Chính phủ đã ban hành được 6 Nghị định; Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ xem xét để ban hành 3 Nghị định và 3 Đề án còn lại.
(2) Đối với ngạch công chức thừa hành và công chức chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã, việc đào tạo kiến thức quản lý hành chính do các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Sở Nội vụ thực hiện.

(3) Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Bài viết được đăng trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn

Nhận xét